Reading Time: 4 minutes

Adversity Quotient – AQ là chỉ số vượt khó, đo lường năng lực con người khi đối đầu với nghịch cảnh. Nếu IQ và EQ phần lớn nghiêng về thiên bẩm, AQ là một chỉ số thuộc về kỹ năng có thể rèn luyện được.

Tại sao cần cải thiện AQ?

AQ cao thể hiện con người sẵn sàng đối diện khó khăn, tìm cách khắc phục hậu quả từ những điều không may mắn và sau đó vươn lên hướng tới tương lai tốt đẹp, thay vì đầu hàng, phó mặc cho số phận.

Dĩ nhiên, chẳng ai mong muốn khó khăn xảy đến trong cuộc sống của mình. Nhưng đó là điều không tránh khỏi, không ít thì nhiều không chuyện gia đình, tài chính, bạn bè, sự nghiệp và vô vàn thứ không tên khác. Làm gì có cuộc đời nào trải toàn thảm hồng cho chúng ta bước? 

Như câu nói nổi tiếng của Lý Tiểu Long “Đừng cầu mong một cuộc sống dễ dàng, hãy ước bạn có đủ mạnh mẽ để vượt qua khó khăn trong cuộc sống”. Lấy ví dụ hành trình nuôi con của những người mẹ. Nhiều người đồng cảm cho rằng những ai làm mẹ là giỏi giang, phi thường nhưng mình nghĩ đó là sự “phải trở nên như vậy” trong tình thế “bắt buộc”. Vì chỉ có 1 đường tiến thôi khi đã chọn làm mẹ, sinh con. Có lẽ, AQ của phụ nữ tăng rất nhiều khi là mẹ.

Theo nhà tâm lý học Paul Stoltz, có 3 kiểu người khi đứng trước khó khăn:

Quitter – người bỏ cuộc: hay nói những lời tiêu cực và dễ dàng từ bỏ khi gặp chướng ngại trong công việc, cuộc sống.

Camper – người cắm trại: là nhóm người đối lập với nhóm Quitter. Họ có phấn đấu vượt khó để hoàn thành mục tiêu nhưng khuyết điểm của họ là dễ dàng thỏa mãn với sự ổn định khi đã gặt hái được những mục tiêu nhất định ban đầu đề ra.

Climber – người leo núi: là tuýp người có ý chí cao, nỗ lực vượt qua mọi nghịch cảnh, sẵn sàng đương đầu và thực hiện đến cùng mục tiêu nhằm khai phá tối đa giới hạn bản thân. Mình chợt nhận ra người viết chúng ta phần lớn đã từng là 3 kiểu người trên, đang hoặc sẽ là 1 trong 3 ở từng chặng trên hành trình viết.

  • Ở giai đoạn đầu tập viết, chúng ta là những Quitter, kiểu gặp khó là bỏ. Điều này tương tự như lúc chưa hình thành thói quen viết, người viết rất dễ nản chí, bỏ cuộc khi thấy bản thân chưa gặt được những thành quả hay mục tiêu đề ra.
  • Camper là giai đoạn người viết vừa hình thành thói quen nhưng vội hài lòng. Không nuôi dưỡng, duy trì tình yêu với viết và động lực viết thì theo thời gian, mọi công sức xây dựng ban đầu có thể về 0.
  • Nếu kiên gan, vững tâm vạch cho một mình bản kế hoạch rõ ràng, chúng ta sẽ trở thành những climber trên hành trình viết. Và dường như, những người viết trong nhóm Viết đi đừng sợ đang viết với tinh thần climber đúng không nhỉ?. Ốm đau cũng viết, bận rộn cũng viết, chán chường, mệt mỏi (vì những chuyện khác) cũng vẫn viết.

Covid vừa qua là 1 cơ hội mà hầu hết mỗi người chúng ta đã có dịp nâng cao chỉ số AQ với quy mô tập thể. Bạn thấy đấy, covid vừa là thách thức nhưng cũng mở ra bao nhiêu cơ hội cho những ngành nghề mới, cụ thể liên quan đến freelancer và online hóa. Gợi ý những cách cải thiện AQ:

  • Thay đổi cách tiếp cận vấn đề từ suy nghĩ đến hành động. Không có gì hoàn toàn tốt hay xấu, thử thách cũng thế. Tìm ra những mặt tích cực của vấn đề để thích nghi.
  • Kaizen (thử những phương pháp mới) trong những phương án giải quyết vấn đề.
  • Thực hành lòng biết ơn với những chuyện bất như ý. Điều này rất có lợi cho tinh thần của bạn. Từ đó, đầu óc cũng thông suốt hơn.
  • Học hỏi kinh nghiệm từ ý chí và cả năng lực giải quyết vấn đề từ người đi trước.

Bất kể ngành nghề nào nói chung hay nghề viết nói riêng, chắc chắn sẽ có lúc thăng hoa, khi gập ghềnh. Vậy nên, mỗi người hãy chui rèn cho mình sức khỏe tinh thần vững chãi để kiên cường đi qua bão giông. Chỉ có nâng cao AQ, chúng ta mới khai phá được hết sức mạnh và giới hạn bản thân.

Chúc cho mỗi người viết đều viết với tinh thần một climber đích thực để gặt hái nhiều thành tựu phía trước hoặc chí ít là niềm vui thỏa lòng khi được giãi bày cùng viết, và viết hết sức mình để về sau nhìn lại không hối tiếc.

Ảnh Pixabay.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *