Reading Time: 4 minutes

Có đôi khi mình rơi vào tình trạng trống rỗng trước màn hình máy tính hàng giờ. Nó đối lập với một người luôn cho mình có rất nhiều ý tưởng và làm việc năng suất?

Có đôi khi mình giận cả thế giới dù không ai tác động đến? Nó đối lập với những ngày dọn dẹp nhà cửa cũng làm mình vui.

Thật may, vốn là một người lý trí, mình luôn kịp thời nhận ra những lúc bản thân bất thường. Mình chọn dừng lại, giảm phanh từ từ trong cả sống lẫn viết.Nếu bạn nào đọc Kinh Thánh, sẽ biết được Chúa đã dùng sáu ngày để tạo ra vạn vật, và ngày thứ bảy để nghỉ ngơi. Vì vậy, chúng ta có ngày Chủ nhật hoặc gọi Chúa Nhật.

Điều này thật trùng hợp với công suất làm việc của mình. Thường thường, lúc cảm thấy bản thân hết năng lượng, mình xem lại lịch đúng là rơi vào thứ bảy hoặc chủ nhật thật. Lịch sinh hoạt làm việc trong một ngày của mình cũng vậy, luôn có những khoảng nghỉ nhỏ giữa các đầu việc. Hay như trong yoga có tư thế xác chết mang ý nghĩa nghỉ ngơi trước và cuối bài tập.

Hành trình Viết là một bản sao được in ra từ chiếc máy photocopy mà bản gốc là hành trình Sống. 

Nếu chúng ta cần sống chậm lại để sống nhiều hơn thì Viết cũng cần viết chậm lại để viết nhanh hơn. (Viết chậm gồm cả việc dừng viết trong khoảng thời gian ngắn).

Thời điểm nào để xác định chúng ta cần viết chậm lại?

  • Khi viết mà cảm thấy bất an,
  • Khi cạn kiệt ý tưởng,
  • Khi luôn không hài lòng với những bài viết hoàn chỉnh.

Định nghĩa viết chậm

Viết chậm là vừa viết vừa thưởng thức quá trình viết, mỗi con chữ là mỗi chiêm nghiệm. Khi đặt bút, người viết cảm thấy thư thái khi thả từng dòng cảm xúc vào trang viết, cảm giác mình là một nghệ sĩ đang điêu khắc cho bức họa nghệ thuật, phiêu diêu cùng con chữ, câu từ.Viết chậm khác với trì hoãn viết, viết lười biếng.Viết năng suất khác với viết đến mức kiệt sức

Vì sao cần viết chậm lại?

Bởi vì năng lượng và sự sáng tạo như một loại tài nguyên vô hạn mà lại hữu hạn. Vô hạn khi người viết biết nạp, xuất hợp lý, có bão dưỡng, kiểm tra định kỳ. Ngược lại, chúng sẽ trở nên hữu hạn và cạn kiệt vào một ngày không xa hoặc thường xuyên bị tắt nghẽn trong quá trình viết.Cần có một khoảng gap giữa các chu kỳ viết để người viết nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng, sản xuất những ý tưởng mới.

Làm thế nào để viết chậm lại?

  • Nên có những nghi thức trước và sau khi viết: dọn dẹp bàn làm việc, lau chùi máy tính, uống nước, thay đổi ảnh màn hình, hít thở, thiền năm phút trước khi viết để loại bỏ mọi tạp niệm chuẩn bị đầu óc cho cuộc viết.
  • Dành hẳn những khoảng nghỉ cố định nếu cần thiết và phù hợp với lịch trình bản thân: một giờ, một buổi, một ngày, thậm chí vài ngày (tùy vào mức độ căng thẳng hiện tại của bản thân).
  • Làm trống rỗng tâm trí trước khi nạp thêm thông tin thông qua những cuộc trò chuyện giải khuây, bình luận. Sau đó, dừng việc viết hoặc viết chậm lại và tăng nguồn nạp bằng việc đọc, có thể là khóa học, sách báo, bài viết trong nhóm…

Lợi ích của việc viết chậm lại

Cơ thể và tâm trí luôn trong trạng thái cân bằng. Điều này rất cần cho một người viết.Thêm nữa, sức khỏe được củng cố, giữ gìn. Thử nghĩ mà xem dẫu bạn có hàng ngàn ý tưởng, kế hoạch, viết ngày đêm nhưng không chú trọng sức khỏe thì liệu có đi đường dài được không vì viết và nghề viết chẳng phải chuyện ngày một, ngày hai.Khi viết chậm lại, mọi thứ được thả lỏng, tưởng như không làm việc, không mang lại lợi ích nhưng chính những khoảng nghỉ này là liều vitamin chất lượng cho tâm trí phục hồi sau hàng giờ làm việc năng suất. Đầu óc được thư giãn là dịp mở cửa đón nhận những luồng ý tưởng hay ho, mới mẻ lấp vào.

Máy móc vốn là vật vô tri vô giác mà còn luôn có những lịch trình bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ để đảm bảo tính nghỉ đủ và hoạt động trơn tru. Thế thì, việc nghỉ ngơi/ sống chậm lại giữa một xã hội đang phát triển quá nhanh như hiện nay là hoàn toàn cần thiết với con người chúng ta. Con người được mẹ tạo hóa ban cho hình hài và khối óc là để sống, sống để cảm nhận không phải mục đích chỉ tồn tại ở cõi tạm này.

Người viết cũng vậy, nếu chọn cho mình nghiệp viết, không nên đơn thuần là chiếc máy sản xuất nội dung mà hãy là người nghệ sĩ chơi chữ một cách sống động bằng tất cả rung cảm từ tâm trí đến đầu những ngón tay.

2 Comments

  1. Dạ người sống kiểu ốc sên hoàn toàn đồng ý chị nhé

    1. tui vẫn còn nhớ những icon trc khi ra đi :)))

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *