Reading Time: 4 minutes

Bạn thường làm gì để nhắc bản thân không bị sa đà vào những lỗi thường gặp khi viết? Mình có một danh sách được lồng trong bản tuyên ngôn với nghề viết bao gồm những lỗi cần tránh. Một trong những lỗi đó là tam không, được xây dựng theo biểu pháp nhà Phật – Bộ ba chú tiểu tam không.

Chú tiểu lấy tay che mắt để không nhìn thấy những điều thị phi (không lưu tâm), lấy tay bịt tai để không nghe những lời trái quấy, lấy tay che miệng để không nói lỗi người.

Tương tự như tư tưởng Khổng Tử có nêu: Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (không nhìn điều sai, không nghe điều tầm bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy). Mọi việc đều không dùng những giác quan với chức năng tạo hóa vốn dĩ mà dùng tâm để chi phối.

Điều này thật tương quan với một người viết.

Rõ ràng, chúng ta dùng đôi tay trần để viết, gõ bàn phím nhưng nội dung đi từ tâm can mà ra. Tưởng chừng dùng tai để nghe thanh âm trong cuộc sống nhưng thực ra là dùng tâm để cảm được tiếng suối róc rách khác với tiếng chim chuyền cành ở một nơi xa nào đó. Dùng mắt để nhìn thấy ánh nắng xiên qua những rặng tre bằng sự phóng tác từ cái tâm. Đâu thể nào mà cả thế giới thu bé lại trong lòng bàn tay để chúng ta có sẵn mà nghe, mà nhìn, sờ chạm lấy làm chất liệu cho bài viết. Tất cả là do tâm vẽ nên.

Người viết dù viết bất kể thể loại nào nên lấy tâm làm gốc. Với mình, cái gốc trong tâm của mỗi tác giả cũng chia làm ba không.

Không phán xét

Đây cũng là nỗi sợ hàng đầu khi viết nên mình luôn để trong danh sách đen (những lỗi có thể sa đà) để tránh khi làm nội dung. Chúng ta những người cầm bút nên hiểu rằng đằng sau mỗi người luôn có những câu chuyện. Không có chuyện nào đúng, chuyện nào sai, chỉ có những câu chuyện phù hợp với độc giả hoặc mục đích của người viết/ khách hàng hay không mà thôi.

Không đề cao bản thân

Hôm trước, có 1 bạn bình luận hỏi về cô đơn của người viết là chủ động đúng hơn là bị động như mình đã phân tích. Nếu là ngày trước, có lẽ mình đã cố gắng tìm mọi cách để thuyết phục ý kiến của mình mới đúng. Nhưng không, nhờ có viết mà mình đã cư xử khác đi đến bản thân cũng không ngờ. Mình hiểu được ý kiến bạn vẫn đúng trên lập trường và suy nghĩ của bạn, điều này cần được tôn trọng và dĩ nhiên song song đó, mình cũng giải thích thêm về cách đặt để nội dung của bản thân.

Người viết nhận ra giá trị của bản thân để từ đó khách quan khi nhìn nhận một ý kiến, quan điểm từ người khác. Tôn trọng chính mình để học cách đồng điệu với cái tôi của đồng nghiệp, độc giả, khách hàng. Bản thân là một, là duy nhất thì người khác cũng như vậy.

Không chủ quan

Người viết cần khiêm tốn, cẩn thận trong từng lời viết ra. Sự học muôn đời là hữu hạn nhất là chuyện viết, sẽ không có giới hạn trên cho việc học đủ là bao nhiêu đâu. Chỉ khi nào giữ cho mình cái tâm khiêm hạ, người viết mới đủ tỉnh táo nhận ra thiếu sót để khắc phục, luôn luôn cải tiến kỹ thuật lẫn nội dung để bài viết theo đó ngày càng hoàn thiện, chỉn chu hơn.

Viết là một hoạt động sáng tạo trên nền tảng kết hợp giữa lý tính và cảm tính. Vì vậy, ắt sẽ có lúc chúng ta bị cảm xúc dẫn dắt đi xa so với những chuẩn mực lý thuyết, quy tắc cần có. Bản tuyên ngôn khi viết như cái nhéo tay vào người để tự nhắc mình luôn tỉnh táo trước con chữ.

Như câu nói nổi tiếng của Đại thi hào Nguyễn Du:

“Thiện căn ở tại tấm lòng

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Trước khi trở thành một người viết tốt, chúng ta nên là người viết có tâm đi đã bởi tâm sinh tướng hoặc tướng tại tâm sinh theo triết lý Phật giáo/ Đạo giáo đều có đề cập. Theo mình, mỗi bài viết cũng có “tướng mạo” riêng phụ thuộc vào tâm người viết. Nhìn vào tướng mạo của bài viết, chúng ta có thể đoán được tâm ý của tác giả là người như thế nào.

  • Một bài viết nội dung hài hòa, câu từ “thanh thoát” chắc hẳn được viết ra từ một người có tâm thiện lương, trong sáng.
  • Một bài viết không mấy “sáng sủa”, văn phong nặng nề chắc hẳn được viết ra bởi một người trong lòng đang dậy sóng.

Tướng mạo xinh đẹp không phải là những bài viết chuẩn SEO, mà nhìn bố cục rõ ràng, văn phong mạch lạc, nội dung ý nghĩa và hữu ích. Đây cũng là lý do vì sao có những bài viết khi đọc vào cho chúng ta trạng thái an yên, thư thả, có bài đọc vào như thôi thúc truyền động lực, có bài đọc vào thấy lo âu. Tất cả là do tâm người viết sinh ra.

Tâm càng tĩnh viết càng dễ. Một cái tâm đủ trầm, yên lặng để quan sát thật tinh tế mọi sự vật hiện tượng chuyển động quanh mình. Từ đó, người viết nhào nặn nên chất liệu trong từng bài viết.

Thêm vào đó, người viết nên luôn dặn lòng “tương kính như tân” với độc giả, với nghề nghiệp. Dù sau này, sự nghiệp cầm bút có phát triển đến đâu chăng nữa, hãy luôn nhớ về vạch 0 xuất phát ban đầu để cư xử, học hỏi với tinh thần của một tấm chiếu mới: luôn tôn trọng, cẩn thận từng ly từng tí trong câu chữ như những ngày đầu lọng cọng cầm bút.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *