
Những thứ không phù hợp sẽ lần lượt rời đi nếu chúng ta có hành động.
Điển hình là covid. Mình vẫn nhớ buổi sáng đầu tháng 2/2020, chồng chở mình và mẹ trên đường đến bệnh viện sinh. Mình đã hỏi chồng mình “Không biết khi nào covid mới được ngăn chặn, giờ chỉ đợi đến khi có vacxin thôi”. Thời điểm covid mới hoành hành, mình đã nghĩ nó là một sự bất hợp lý và sẽ biến mất nhưng chưa rõ mọi thứ sẽ tiến triển như thế nào.
- Khẩu trang tăng giá khi chính phủ ra lệnh bắt buộc toàn dân mang khẩu trang ra đường. Từ 50k 1 hộp, giá nhảy lên 300k, 500k vẫn có người mua. Dĩ nhiên, bất hợp lý như vậy chỉ tồn tại sau khoảng thời gian rồi dần ổn định ngay cả thời điểm đỉnh dịch.
- Chính sách giãn cách siết chặt từ tỉnh, thành phố xuống tới phường xã.
- Đỉnh điểm là giới nghiêm 6 giờ tối và giãn cách tăng cường (Không được đi chợ mà trưởng khu phố hoặc siêu thị sẽ giao tận nhà).
- Lương thực, thực phẩm khan hiếm từ gói mì, cái trứng.
Những chính sách, biện pháp chính phủ đưa ra có cái thuận lòng, có cái bị phản bác. Nhưng mình thấy đó là quy luật, phải thử mới biết cái nào đúng sai, cái nào phù hợp và cái nào chưa. Quan trọng là có biện pháp để hành động thay vì ngồi yên cầu nguyện.
Và với rất nhiều nỗ lực từ mồ hôi, công sức, tâm trí thậm chí đến sinh mạng, dù covid vẫn còn nhưng mọi thứ đã tạm qua đi. Tất cả đang bắt đầu tái sản xuất, khôi phục kinh tế. Covid gọi là “qua đi” không phải tự nhiên mà bởi chúng ta nhìn thấy nó không hợp lý, thuận lẽ thường và rất nhiều hành động đưa ra để xoá bỏ, triệt tiêu nó.
Chuyện viết cũng thế. Những khiếm khuyết về kỹ thuật hay tư duy viết sẽ dần được khắc phục với điều kiện chúng ta bắt tay vào hành động.
1/ Trước khi nói đến chuyện kế hoạch, cái cần nhìn rõ trước tiên là phải thấy được những mặt hạn chế của bản thân, coi đó như một vấn đề (thấy những lỗi sai của mình). Bằng không, cứ thế mà đi tiếp chẳng khác nào dù trong tay có bản đồ nhưng người lái xe lại đang đeo kính râm. Việc tự đánh giá bản thân đang ở đâu trên hành trình viết rất quan trọng, nó là tiền đề cho việc lập kế hoạch những bước đi tiếp theo. Biết những cái không biết cũng gọi là biết, vì từ đây chúng ta mới có thể làm rộng và phát triển sâu vùng mình biết.
2/ Tiếp theo, hãy bắt đầu ngay khi chưa sẵn sàng. Mình từng sai lầm ở khoảng thời gian đầu học viết là ĐỢI giỏi rồi mới viết. Mình cứ mua sách và đọc và đợi. Cứ như thế, thời gian trôi qua hai tháng đầu dường như vô bổ vì thời điểm đó, mình viết như mưa sắp tạnh, nhỏ giọt. Cho đến khi, mình thật sự cam kết viết mỗi ngày từ tuần hai tháng 9, kỹ năng viết mình được cải thiện rõ rệt, tư duy viết cũng nhờ vậy mà có môi trường để phát huy. Mình biết được mình đang có cái gì, làm tốt cái gì và tập trung vào đó thay vì cứ ngồi đợi.
Nếu đợi đến khi bạn cảm thấy bản thân thật sự giỏi, đủ tự tin để viết thì có lẽ đợi cả đời, đúng không? Làm sao có cột mốc cố định nào để xác định bản thân đủ giỏi? Chỉ có thực hành viết, chúng ta mới vừa đi vừa chỉnh. Chính trong quá trình này, bản thân người viết trưởng thành hơn về cả kỹ thuật lẫn tâm tưởng.
“Sau tất cả những năm tháng đó, tôi vẫn ở trong quá trình tự khám phá bản thân. Khám phá cuộc sống và phạm lỗi lầm vẫn tốt hơn chọn phương án an toàn. Sai lầm là một phần phí mà con người trả cho một cuộc đời trọn vẹn” – Sophia Loren.
3/ Cuối cùng, hãy hành động và duy trì hành động. Có thể bạn đã vượt qua nỗi sợ viết, bạn bắt đầu có quán tính viết nhưng khoan vội mừng vì viết là đi đường dài. Quan trọng hơn cả việc hình thành thói quen viết, chúng ta nên biết cách nuôi dưỡng nó như một thứ tình yêu, đam mê.
Chúng ta hăng hái làm blog và viết siêng năng trên blog chừng một vài tuần đầu với tần suất cố định sau đó thưa dần, rồi vườn không nhà trống. Chúng ta mua rất nhiều sách nhưng với mục đích “tích trữ” hơn là “tiêu dùng” thực tế.
Vấn đề ở chỗ có thể chúng ta đang có back up ổn nên chưa quyết tâm cao độ để hành động, động lực chưa đủ lớn, đam mê chưa đủ nhiều. Vậy thì, những lúc này không cần nóng vội, cứ chẻ nhỏ mục tiêu, làm từng thứ một theo khả năng bản thân thay vì nhìn vào sự hào nhoáng về năng lực của người xung quanh. Nó như cái bẫy có thể làm bạn có động lực phấn đấu nhưng ngược lại, đôi khi phản tác dụng, sẽ khiến bạn nhanh chóng nản chí, bỏ cuộc vì có quá nhiều hình mẫu thành công để theo đuổi.
Hôm qua, mình đọc được câu nói rất hay:
“Thời gian có vẻ trôi nhanh hơn về sau là bởi chúng ta đang già đi và dường như chậm chạp hơn”.
Vậy nên, ngay những năm tháng “tuổi trẻ gân thì cứng, máu thì cuồn cuộn với trái tim và tấm lòng thiết tha” theo Tô Hoài miêu tả trong Dế mèn phiêu lưu ký, hãy thử và cho phép mình được sai một cách hết sức mình. Vì từ khó chịu và ám ảnh nhất ở những quãng đời về sau là “giá như”, chứ không phải “đã từng”.
Niềm tin sẽ làm nên suy nghĩ của bạn,
Suy nghĩ đó sẽ làm nên lời nói của bạn,
Lời nói đó sẽ làm nên hành động của bạn,
Hành động đó sẽ làm nên thói quen của bạn,
Thói quen đó sẽ làm nên giá trị của bạn,
Giá trị đó sẽ làm nên số phận của bạn. – Theo Mahatma Gandhi.