Reading Time: 4 minutes
Ảnh của Kaboompics .com từ Pexels

Cách đây 1 tháng, mình có đăng bài trong nhóm làm cha mẹ. Lần đầu tiên, mình thấy “sợ” vì bài viết được tương tác quá nhiều (với mình). Cũng một phần dễ hiểu vì nhóm này 80k thành viên nên số lượng tương tác cũng tỷ lệ thuận. Lẽ đương nhiên, nội dung bài viết cũng “ổn” như thế nào nữa vì nhóm này khá văn minh. Mình cũng double check lại khi xem qua 1 vòng những bài viết tốt đăng trước đó, thì số like và lượt share bài của mình ở mức tương đối cao (Vẫn có bài cao hơn và nhiều bài ít hơn).

Ngày trước, mình những tưởng rất tuyệt khi bài viết nhận được nhiều like nhưng hoá ra không hẳn vậy. Khi số like bắt đầu vượt quá 100, 200, tổng lượt share 88, mình vỡ ra không “hạnh phúc” như mình từng nghĩ (theo lẽ thường, mình vẫn rất vui).

Thế là, mình nghiệm ra để vượt qua nỗi sợ bài viết ít like, hãy một lần để bài viết thăng hoa đi, bạn sẽ biết rõ những gì bản thân thật sự mong muốn. Nó không đơn thuần là những cái like, share mà đôi khi được viết ra những điều cần viết cũng là một khái niệm hạnh phúc của tác giả.

Đối với những công việc đòi hỏi sự sáng tạo như nghề viết, tâm lý buồn/ hụt hẫng/ chán nản khi bài viết chưa/ không được đón nhận là hoàn toàn bình thường. Vì chúng ta đầu tư rất nhiều chất xám, thời gian, công sức nên nảy sinh ra tâm lý mong cầu được ghi nhận. Vậy nên, để vượt qua nỗi sợ bị phủ định này bằng cách hãy khẳng định nó.

1/ Cách để vượt qua tâm lý hụt hẫng

  • Dự trù sẵn tâm lý rằng có thể/chắc chắn bài viết ít lượt tương tác. Và những ai trên hành trình viết này đều gặp tình trạng chung. Nó là phổ biến, số đông, không phải một mình mình.
  • Giảm thiểu mong cầu, mức độ thất vọng sẽ giảm theo tỷ lệ thuận.
  • Khi viết bài/ đăng bài đừng nghĩ ngợi nhiều quá, cứ để mọi việc tự nhiên. Đừng hy vọng người khác cũng sẽ thấy bài viết hay như mình nghĩ, trong khi mỗi người mỗi thế giới quan khác nhau. Tháo dở bỏ những mong cầu này, chắc chắn bạn sẽ không gặp thất vọng.

Ví dụ: ôi, mình viết bài này hay quá, chắc sẽ nhiều người like lắm đây. Kết quả đúng như vậy thì không nói, nếu kết quả khác đi hoặc tệ hại (lượt like loe nghoe/ không có), chúng ta sẽ tự rước buồn bã vào người. Ngược lại, đăng bài chỉ là đăng bài, không quan trọng việc tương tác thì dù bao nhiêu like 100 hay 10 ta cũng sẽ vui vẻ ghi nhận.

2/ “Tích cực hoá” việc bài viết ít tương tác

  • Trong một số trường hợp, không hẳn lượt tương tác hoàn toàn thuận với chất lượng nội dung bài viết. Mà đôi khi, bài viết bạn cũng ổn đấy nhưng nó không phải nhu cầu hiện tại của độc giả.

Ví dụ: một bài viết về nuôi dạy con tích cực dù thông tin bổ ích đến đâu cũng không có sự thu hút nhiều với Genz.

Hay bài viết trong đoạn mở bài đã nêu, trước đó mình có đăng trên fb cá nhân nhưng lượt like chỉ lèo tèo (1 phần danh sách bạn bè mình cũng khiêm tốn nữa). Trong khi ở một diễn biến khác (hội nhóm làm cha mẹ), nội dung mình viết ra hữu ích cho rất nhiều mẹ, còn có cả các ông bố vào tương tác nữa.

  • Những lần bị người khác say No chính là cơ hội mở ra cho chúng ta những con đường mới, thậm chí là bước ngoặt.

Stephen King, một trong những tiểu thuyết gia nổi bậc nhất của thời kỳ hiện đại với hàng chục tựa sách bom tấn, đã bị từ chối 30 lần trước khi được chấp nhận và xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên.

Star Wars – Bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao từng bị tất cả các hãng phim Hollywood từ chối trước khi 20th Century Fox đồng ý sản xuất. Để sau đó, có 1 Star Wars hiên ngang đem về 7 giải thưởng Academy và doanh thu hàng tỷ đô.

3/ Biến nghịch cảnh thành động lực “tối ưu hóa” bản thân

  • Dành thời gian, tâm trí để nâng cao chất lượng bài viết/ sản phẩm hơn là việc chìm đắm trong những cảm giác tiêu cực (không ai đón nhận bài viết).
  • Ngồi xuống nhìn nhận lại nguồn lực mình đang có là gì (không gian, tư duy, ý tưởng,…) mình khiếm khuyết những mục gì (kỹ thuật viết, kinh nghiệm, thời gian viết…). Chỗ nào mình làm chưa tốt, tìm ra nguyên nhân, giải pháp, lập kế hoạch thay đổi sửa lỗi.

Ví dụ: học thêm qua các trang thông tin hữu ích, sách báo, những khóa học, tìm lời khuyên từ mentor/ những người đi trước. Thực hành nhiều hơn…Chỗ nào đang làm tốt cần duy trì và phát huy.

  • Mỗi khi gặp khó khăn, từ chối, thất bại, chúng ta nên vui mừng vì đó là tín hiệu tích cực vũ trụ gửi đến. Bởi chỉ khi gặp chướng ngại, chúng ta mới cố gắng thay đổi bản thân để thích nghi, vượt qua. Từ đó, mọi việc cũng phát triển theo. Còn khi ở mãi trong vùng an toàn êm ấm, làm những việc dễ dàng đều đều mỗi ngày thì liệu chúng ta có đi được xa hơn hay phát triển gì thêm không?

Việc mà chúng ta bị từ chối đâu đó trong cuộc sống/ hành trình viết là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Quan trọng là chúng ta sẽ làm gì sau những lần từ chối đó.

  • Thoả hiệp với cảm xúc tiêu cực và bị chúng kéo thụt lùi do dành thời gian quá nhiều để đôi co với tâm trí cho những cái vô thực ?
  • Đón nhận với cái tâm bình thản, biến sự từ chối bên ngoài thành động lực bên trong thúc đẩy bản thân tiến lên phía trước?

Bài viết ít tương tác không đáng sợ bằng việc tiếp tục ngồi yên chịu trận mà không hành động khác đi.

Sự từ chối đôi khi cũng là một vận may trong cuộc sống.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *